Lạc Đình trả lời nhưng không quay đầu lạị. Lạc Vy sà xuống bên cạnh, cô quan tâm khi thấy Lạc Đình đăm đăm nhìn vào khoảng không.
– Chị ngắm gì vậy?
– Thời gian.
– Sao lại là thời gian?
– Không biết thì đừng thắc mắc, nhiều chuyện!
Bị Lạc Đình mắng, Lạc Vy hơi quê, nhưng sự tò mò trong cô đang trổi dậy. Cô liền bắt chước Lạc Đình cũng chống cằm và nhìn vào một hướng.
Bỗng cô phát hiện ngoài cổng nhà đang có một người đang lấp ló.
Cô khều Lạc Đình:
– Chị Hai!
– Đừng có làm phiền mà.
– Lạc Đình cằn nhằn.
– Không phải. Hình như ăn trộm đang rình nhà mình.
– Đâu?
Câu nói của Lạc Vy làm Lạc Đình chú ý:
– Kia kìa! Chị thấy không?
Theo tay Lạc Vy, Lạc Đình thấy một người đàn ông cao to đang nhóng người nhìn vào bên trong nhà như đang cố ý tìm gì đó.
Lạc Đình nheo mắt. Xong, cô đứng dậy đi ra cổng. Lạc Vy đi theo, cô níu tay Lạc Đình:
– Chị Hai, chị không sợ sao?
Nhưng Lạc Đình đã tươi cười mở cổng:
– Anh Trung!
– Ồ, Lạc Đình ...
Người đàn ông mừng rỡ:
– Nếu em không ra, anh không biết phải làm sao. Anh định gọi cổng nhưng sợ hàng xóm chửi ...
– Xin lỗi anh nha. Nhỏ Lạc Vy mà không nhìn thấy anh, chắc em đã để anh chờ nữa.
Nghe nhắc đến tên mình, Lạc Vy bước lên:
– Em đây.
Lạc Đình liền giới thiệu:
– Anh đây là anh trai chị Hải Yến, tên Quốc Trung.
Cô quay sang Quốc Trung:
– Còn đây là em gái em, tên Lạc Vy.
Lạc Vy nhanh nhẹn:
– Chào anh!
– Chào em!
Quốc Trung vui vẻ:
– Em giống chị em quá.
– Hì! Giống thì có giống thật, nhưng chị Hai em đẹp hơn em nhiều. Anh có công nhận điều đó không?
– Mỗi người đều có một vẻ đẹp khác nhau.
– Anh khôn quá! Không khen ai và cũng không chê ai
– Anh thích công bằng mà.
– Nhưng anh thử khen chị em đi, em cũng không ganh tỵ đâu.
Thấy em gái cứ cà rỡn hoài, Lạc Đình lên tiếng nhắc nhở:
– Lạc Vy, để anh Trung vào nhà đã.
– Í quên.
Lạc Vy né người:
– Xin mời anh.
Quốc Trung đi song song với chị em Lạc Đình.
– Xe đang đậu ở đầu hẻm. Anh chỉ chào bác thôi rồi chúng ta đi ngay.
– Vâng!
Vào đến phòng khách Quốc Trung cúi đầu chào người đàn ông ngoài năm mươi đang ngồi xem tivi.
– Cháu chào bác!
Ông Lạc Sơn ngẩng lên:
– À, chào cháu! Cháu là Quốc Trung phải không?
– Vâng ạ!
Ông Lạc Sơn chỉ vào ghế:
– Ngồi đi cháu. Chờ em nó một chút nhé.
– Vâng!
Lạc Vy lăng xăng rót nước:
– Anh Trung uống nước đi ạ.
– Cám ơn em.
Ông Lạc Sơn bảo Lạc Vy:
– Con xem chị Hai con cần giúp đỡ gì không? Nhanh nhanh lên, đừng để anh Trung phải chờ lâu.
– Dạ.
Nhưng Lạc Vy chưa kịp quay lưng thì Lạc Đình đã xuất hiện nơi cửa buồng với chiếc va li trên tay:
– Con đã sẵn sàng rồi.
Ông Lạc Sơn hỏi:
– Không còn thiếu gì chứ?
– Ba yên tâm! Lỡ có thiếu gì con sẽ tự mua lấy.
Quốc Trung đứng lên:
– Xin phép bác, cháu và Lạc Đình phải đi, vì xe đang chờ.
– Ừ.
Ông Lạc Sơn cũng đứng lên theo.
Lạc Đình lễ phép:
– Thưa ba, con đi.
Cô bẹo má Lạc Vy:
– Chị đi nha, cố gắng học giỏi đấy.
– Tất nhiên. Để năm sau em vào với chị chứ.
Quốc Trung đỡ lấy va li trên tay Lạc Đình:
– Anh xách cho.
– Cám ơn anh.
– Bày đặt khách sáo. Nhưng gì mà nặng thế này?
Lạc Đình đùa:
– Em mang muối và khô vào làm quà cho mọi người.
– Hả!
Cử chỉ của Quốc Trung làm hai chị em Lạc Đình phá lên cười.
Lạc Vy che miệng:
– Anh Trung cẩn thận chị Hai em đó nghe. Chị ấy hay làm người ta đứng tim lắm đấy.
– Anh biết mà. Thôi, anh đi nhé.
– Vâng.
Ông Lạc Sơn và Lạc Vy tiễn Lạc Đình ra cổng. Ông dặn dò:
– Vào đến Sài Gòn, nhớ gọi điện cho ba.
– Dạ.
Lạc Đình vẫy tay chào ba và em gái một lần nữa rồi mới theo sau Quốc Trung. Ra đến đường lớn thì cô nhìn thấy ngay chiếc Toyota bốn chỗ màu xám bạc đang đậu.
Quốc Trung mở cốp xe bỏ va li vào anh nói với Lạc Đình:
– Em ngồi ghế sau nhé.
– Dạ.
Mở cửa xe cho Lạc Đình, Quốc Trung căn dặn:
– Nếu thấy không ổn thì nói với anh hay nói với bạn anh cũng được.
Người ngồi cùng em là Bách Nguyên đấy.
Lạc Đình chui vào xe, cô lịch sự chào người bên cạnh:
– Chào anh!
Không nghe người đàn ông trả lời, Lạc Đình hơi quê ngồi im và thu mình ra sát cửa. Hừ! Đừng tưởng cho người ta đi nhờ rồi làm phách nghe. Anh không lên tiếng bộ tôi cũng thèm nói chuyện với anh sao? Hứ!
Quốc Trung ngồi ghế trước, anh ra dấu cho tài xế chạy đi rồi mở đèn trong xe. Thấy Lạc Đình cứ nép ra cửa, bỏ ra một khoảng trống với Bách Nguyên. Anh kêu lên:
– Em làm sao thế Lạc Đình? Không quen ngồi xe à?
– Dạ, không phải.
– Vậy ...
– Cô ta dị ứng tao.
– Sao cơ?
– Cô ta thích ngồi thế thì cứ để cô ta ngồi đi. Xem cô ta có chịu nổi từ đây cho đến Sài Gòn không cho biết. Hừ, đúng là trẻ con?
Tự nhiên bị mắng, Lạc Đình tức tối. Cô hất mặt qua định cãi, nhưng rồi tay chân cô bỗng rụng rời, đôi mắt trợn tròn:
– Cha mẹ ơi ...
Bách Nguyên cũng giật mình khi nhận ra cô gái ngồi cùng băng sau:
– Là cô ư? Đúng là quả đất tròn!
Quốc Trung không kém phần ngạc nhiên:
– Hai người biết nhau sao?
– Không. - Lạc Đình và Bách Nguyên đồng trả lời.
– Sau cả hai cùng phản ứng thế?
Quốc Trung nhìn Bách Nguyên rồi nhìn Lạc Đình:
– Có gì giấu tôi phải không?
Anh hất mặt:
– Bách Nguyên, mày nói đi!
– Không có gì để nói.
– Thật chứ?
– Ừ.
– Nhưng sao tao thấy hai người giống như kẻ thù của nhau vậy? Chẳng lẽ ...
– Anh đừng đoán bậy bạ đó. - Lạc Đình ngăn lại:
– Bậy bạ là sao?
..................................................
Bạn đang đọc truyện tại Kenhtruyen.Wap.Sh chcs các bạn vui vẻ
.....................................................
Quốc Trung tủm tỉm:
– Bộ em và thằng bạn anh ...
– Mày thôi đừng lung tung đi.
Bách Nguyên gắt:
– Nếu không muốn tao nghĩ lung tung thì mày biết làm gì rồi đó.
– Hừ!
Quốc Trung nhướng mày:
– Sao?
Bách Nguyên lẩm bẩm:
– Đúng là thằng nhiều chuyện.
Anh mím môi:
– Tao và cô bạn của mày là kẻ thù của nhau thì đúng hơn. Cô ta chạy xe mà con mắt cứ để trên mây nên đã ...
– Tông phải mày? - Quốc Trung tiếp lời:
– Còn phải hỏi.
– À! Thì ra con nhỏ chanh chua, ngang như cua lừa mày dong xe chạy tuốt chính là Lâm Lạc Đình?
Quốc Trung chợt phá lên cười:
– Hay thật! Vậy là tao không nằm mơ giữa ban ngày, đúng không?
– Mày và Lạc Đình đúng là có duyên với nhau. Chúc mừng nghe!
– Đừng có vớ vẩn!
Quốc Trung chợt hỏi:
– Lạc Đình! Em có dự định xin việc ở đâu sau khi ra trường chưa?
Lạc Đình hơi ngạc nhiên:
– Chi vậy anh?
Nếu em chưa có chỗ làm thì anh sẽ giới thiệu em về làm trợ lý cho bạn của anh Hoàng Bách Nguyên.
– Là ông ta hả?
– Ừ. Em thấy thế nào?
Lạc Đình lắc đầu:
– Anh cho em xin đi. Em còn yêu đời lắm.
– Sao?
– Người lúc nắng lúc mưa, thời tiết không ổn định dễ bị "mát" dây lắm. Mà em thì nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió kỵ mù sương.
– Ối trời đất ơi! Em cho Bách Nguyên là người hay thiên nhiên?
– Anh nghĩ người ta thì là người thiên nhiên thì là thiên nhiên. OK.
Quốc Trung thở hắt ra:
– Bó tay hai người luôn. Trên đời này sao có một đôi oan gia không thể hòa hợp thế này.
Không hẹn mà cả Bách Nguyên và Lạc Đình lại đồng lên tiếng:
– Nói vậy cũng nói. Oan gia thì làm sao hòa hợp.
Quốc Trung giơ tay:
– Đấy, tôi đã bảo rồi.
Lạc Đình nạt:
– Anh thôi đi! Em không muốn có trong câu chuyện của ông ta.
Bách Nguyên cũng không vừa.
– Cô không muốn vậy tôi muốn chắc. Con gái gì chua như chanh.
– Đàn ông con trai gì mà nhỏ mọn.
– Con gái gì ngang như cua.
– Đàn ông con trai gì khó ưa. Hứ!
– Hứ.. – Cả hai cùng "hứ", sau đó mỗi người đều quay về một phía. Quốc Trung đành chào thua, xem ra họ có thù với nhau nặng lắm rồi.
– Tự nhiên đi nhé?
Anh quay lại vị trí của mình. Trong đầu xuất hiện nhiều ý nghĩ làm anh phải cười thầm. Hoàng Bách Nguyên - Lâm Lạc Đình, hãy chờ đó!
– 516, 517 ... Ôi, đây rồi!
Lạc Đình đưa mắt nhìn căn biệt thự đồ sộ nằm phí sau cánh cổng sắt đang đóng kín.
– Sao mà uy nghi dữ vậy?
Cô chậm chạp bước lại gần như để xác định số nhà đang tìm.
– Không sai.
Lạc Đình đưa mắt nhìn qua khung cửa sắt, khoảng sân rộng đầy hoa kiểng làm cô thích thú.
– Chà! Ở Sài Gòn mà có được vườn hoa như thế này, thì tuyệt vời làm sao. Chủ nhân của biệt thự này cũng biết hưởng thụ nhỉ?
Trong lúc đang say sưa ngắm và khám phá thì bất ngờ:
– Cháu tìm ai?
Lạc Đình giật mình lúng túng:
– Cháu ...
Cô ngẩng lên và nhận ra người trước mặt mình là ông lão mà cô đã gặp ở Nha Trang.
– Chào ông! Ông còn nhớ cháu không?
– Nhớ chứ!
Ông lão nhướng mày:
– Cháu làm gì ở đây?
– Dạ, cháu tìm nhà người quen ở số 517.
– Là nhà ta ư?
– Vâng! Ba cháu bảo cháu đến gặp ông Hoàng Bách Thắng.
– Hoàng Bách Thắng là ta. Nhưng ba cháu là ai? - Ông lão thắc mắc.
– Lâm Lạc Sơn.
– Vậy ra ...
– Cháu là Lâm Lạc Đình.
Ông Bách Thắng vui mừng:
– Ôi, hóa ra thế!
Ông lăng xăng mở cửa:
– Vào nhà, vào nhà đi cháu.
Lạc Đình bước qua cánh cổng lớn. Cô nghiêng đầu:
– Ông có ngạc nhiên không?
– Rất ngạc nhiên nữa đằng khác. Không ngờ người ông gặp ngoài đường ở Nha Trang hôm ấy lại là Lạc Đình. Nhưng sao cháu đưa ông đến nhà cháu mà cháu không nhận là nhà của mình, đã thế còn giấu tên nữa?
Lạc Đình gãi đầu:
– Cháu không cố ý giấu ông. Tại cháu sợ ba cháu gọi cháu vào nhà không cho lang thang nên cháu ...
Ông Bách Thắng gục gặc:
– Thì ra là vậy.
Hai ông cháu vào nhà, Lạc Đình tự buông người xuống xa lông.
– Nhà của ông mát quá. Thích thật!
Ông Bách Thắng chỉ cười, mà hình như nãy giờ ông cười nhiều lắm thì phải. Tại vui mà. Vui vì Lâm Lạc Đình chẳng những là một cô gái xinh đẹp, thông minh mà còn đáng yêu nữa. Có cô cháu dâu như thế, ông còn mong ước gì hơn. Và ông tin, Lạc Đình sẽ thay đổi được Bách Nguyên.
– Ông ơi!
Lạc Đình gọi:
– Chỉ có một mình ông ở trong căn nhà rộng thế này sao?
– À, ừ Bách Nguyên vì công việc nên không ở đây. Trong nhà chỉ có ông và người giúp việc tên Giao thôi.
Vừa nói ông Bách Thắng vừa với gọi ra sau:
– Giao à! Lấy cho ta hai cốc nước.
– Dạ.
Sau tiếng dạ thì một cộ gái khoảng tuổi Lạc Đình xuất hiện. Cô đặt hai cốc nước xuống bàn.
– Cháu mời ông, mời cô!
Lạc Đình vui vẻ:
– Cám ơn chị nha Giao, cứ gọi em là Lạc Đình.
– Vâng!
– Từ nay, em sẽ là khách thường xuyên ở đây. Chị không phiền chứ?
– Ôi! Sao cô lại nói vậy. Có cố đến ông sẽ rất vui đấy.
– Chị cũng thế phải không?
Lạc Đình nheo mắt.
– Vâng!
Sau vài câu nói với Lạc Đình, Giao xin phép ra sau vì có công việc.
Lạc Đình nhìn theo:
– Chị Giao dễ thương phải không ông?
– Ừ, Giao hiền lắm và thật thà nữa.
– Chị Giao giúp việc cho ông được bao lâu rồi? - Lạc Đình tò mò.
– Đâu khoảng bốn, năm năm gì đó. Lúc Bách Nguyên vẫn còn ở đây. Cả Bách Trung và Bách Nguyên cũng đều hài lòng bản tính của con Giao.
– Hình như chị Giao là người miền Tây?
– Đúng đấy! Quê con Giao ở Sóc Trăng thì phải. Nhưng mà thôi, đừng nói về chuyện ấy nữa. Hãy nói về cháu đi!
– Cháu có gì đâu để nói.
– Chẳng phải cháu tìm đến gặp ông là có rất nhiều chuyện để hỏi để nói sao?
– Cháu ...
Lạc Đình im lặng, cô không biết bắt đầu như thế nào. Bởi lúc ở nhà thì nghĩ rất nhiều. Còn bây giờ ...
Ông Bách Thắng khuyến khích:
– Cháu đừng ngại, cứ nói ra đi!
Lạc Đình hít một hơi như để lấy thêm sự tự tin:
– Thật ra cháu hoàn toàn không hề biết gì cả. Cháu không biết ông, không biết mối quan hệ của hai gia đình. Rồi vào đêm sau khi ba cháu gặp ông thì dự định về Nha Trang làm việc của cháu không còn nữa. Cháu rất buồn khi ba cháu tự quyết định cho cháu. Nhưng sau khi suy nghĩ lại, thương người ông quá cố và thương ba nên cháu quay lại Sài Gòn, đồng ý vào ''Hoàng Nguyên'' giúp ông.
– Ôi, thế thì tốt quá!
– Cháu nói trước, cháu chỉ làm việc trong khả năng của mình thôi. Và cháu cũng có điều kiện. Thứ nhất, cháu sẽ không ở nhà của ông như ông đã từng để nghị.
– Sao thế?
– Vì những lý do tế nhị và khách quan, ông thông cảm cho cháu nha. Nhưng cháu sẽ thường xuyên đến đây thăm ông.
– Vậy còn điều kiện thứ hai, thứ ba, thứ tư là gì?
– Cháu không muốn ông nói trước với Bách Nguyên, cháu là người quen của ông. Cháu muốn nộp hồ sơ vào "Hoàng Nguyên'' và được phỏng vấn như những nhân viên khác.
Ông Bách Thắng nhăn mày:
– Cháu làm chi rắc rối vậy?
– Đó là nguyên tắc của cháu. Nếu ông thương cháu thì đừng để sau này người ta có cơ hội nói ra nói vào. Cuộc sống, khó lường trước điều gì lắm, ông ạ.
Rồi như hiểu được sự khó khăn và áp lực Lạc Đình phải chịu, ông Bách Thắng đành gật đầu:
– Thôi được, ông sẽ chiều theo ý cháu.
– Cám ơn ông.
– Nhưng cháu cũng phải hứa với ông. Có khó khăn gì hay bị ăn hiếp, phải nói cho ông biết.
– Không ai ăn hiếp được cháu đâu ông ơi. Cỡ như tên tài xế kia cũng phải thua cháu mà.
Nhớ lại việc Lạc Đình bắt nạt tên tài xế, hai ông cháu phá lên cười.
Lạc Đình bâng quơ để ánh mắt ra ngoài vườn hoa:
– Đẹp quá!
Cô đứng dậy:
– Ông ơi! Cháu tham quan một vòng có được không?
– Cháu cứ tự nhiên!
Lạc Đình thoát nhanh ra ngoài. Cô thích thú khi những bước chân của mình giẫm lên sỏi đá nghe xào xạc. Hàng cau kiểng rung rinh trong gió, những tán lá xòe lộng như che cầ bầu trời.
Thoát khỏi lối đi đầy sỏi đá, Lạc Đình lại ngẩn ngơ trước một vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Đôi mắt to tròn bởi phong cảnh trước mắt mà cứ ngỡ như mơ.
Một hòn non bộ với núi cao chập chùng được thu gọn lại trong một cái hồ rộng lớn. Hàng dây leo quấn quanh, xa xa là các ngôi nhà bằng sứ nắm rải rác quanh hồ và các hốc núi. Lạc Đình chợt ước mình bé lại như nàng út ống tre để được sống trong đó. Một cảm giác hạnh phúc đang lan tỏa trong người cô. Ôi, thế giới cổ tích.
– Cháu thấy thế nào?
Ông Bách Thắng đến sau lưng Lạc Đình:
– Dạ, thật tuyệt vời ạ. Một chút hoang sơ cộng thêm những chú hươu, nai, thỏ đáng yêu kia đã làm cho khu vườn trở nên đặc biệt và sinh động.
– Đặc biệt ở chỗ nào?
– Những ngôi nhà được xây dựng theo kiểu hiện đại, lại đặt trong khu vườn thiên nhiên hoang sơ. Một dãy núi chằng chịt thu gọn nằm trong một cái hồ nhỏ bé.
– Ồ!
Ông Bách Thắng thích thú:
– Không ngờ cháu có cách suy nghĩ riêng như thế.
Lạc Đình phân bua:
– Cháu nói theo suy nghĩ của mình thôi mà. Không dám qua mặt ông đâu.
Ông Bách Thắng chỉ cười khề khà rồi ngồi xuống ghế đá.
Lạc Đình xuýt xoa:
– Ước gì cháu cũng có một khu vườn như thế này nhỉ?
Cô nhìn ông ngập ngừng:
– Ông cho cháu hỏi một câu nhé.
Thấy ông Bách Thắng gật đầu. Lạc Đình đảo mắt khắp một lượt khu vườn rồi cất giọng bồi hồi:
– Ông mất thời gian bao lâu để có một khu vườn đậm chất thiên nhiên này?
Câu hỏi của Lạc Đình làm ông Bách Thắng ngớ người. Bách Nguyên đã mất bao lâu nhỉ? Năm năm hay mười năm? Ông Bách Thắng chợt buồn khi nhìn kỷ niệm của thằng cháu cưng.
– Ông không biết đã mất bao nhiêu năm. Dù sao Bách Nguyên cũng đã tốn kém cả tâm tư vào đó ...
Lạc Đình ngắt ngang:
– Ông nói khu vườn này là do Bách Nguyên thiết kế à?
– Đúng đấy! Khu vườn chính là sự kiêu hãnh của nó.
Lạc Đình chống cằm:
– Chắc anh ấy phải mất nhiều công phu lắm để tạo những con thú sống trong khu vườn nhỏ bé so với thế giới của chúng ở trong rừng. Nhưng ông có để ý không? Tại sao chú nai kia lẻ loi cô đơn quá vậy?
Ông Bách Thắng nhìn theo tay chỉ của Lạc Đình. Một chú nai ngồi một mình bên vệ cỏ ánh mắt xa lạ với cảnh vật chung quanh, trong khi những con khác thì có đôi có bạn. Đây phải chăng là tâm trạng của Bách Nguyên hiện giờ?
Ông nén tiếng thở dài:
– Mấy năm nay, nó luôn có đơn như thế. Vẫn chưa chịu kết bạn với ai.
– Anh ta không thấy buồn ư?
– Có những điều không thể lý giái được cháu ạ. Đôi khi cô đơn cũng là một điều thú vị để tìm kiếm và gặm nhấm một tâm hồn.
Lạc Đình lắc đầu:
– Cháu không hiểu tại sao phải đày đọa mình vậy chứ? Tuy Bách Nguyên mất đi một người anh trai, nhưng anh còn có gia đình, còn có ông, còn có cuộc sống và còn có trách nhiệm của một con người. Nếu Bách Nguyên cứ chọn kiểu sống ấy, thì anh ấy sẽ trở thành đứa cháu bất hiếu lúc nào không ấy đấy!
– Ông cũng đã nói hết lời rồi, nhưng Bách Nguyên không nghe, ông cũng đành chịu bất lực nên ông cầu cứu cháu và ba cháu.
Càng nghe về gã Bách Nguyên, Lạc Đình càng bực tức. Cô mím môi khẳng định:
– Ông đừng lo! Cháu đã hứa giúp ông rồi. Hoàng Bách Nguyên không thay đổi thì cháu không phải là Lâm Lạc Đình.
– Tốt!
Những lời của Lạc Đình cho ông Bách Thắng một niềm tin mạnh mẽ. Không những thế ông còn chắc chắn rằng Lâm Lạc Đình sẽ là cô gái Bách Nguyên chọn. Bởi bản tính hai đứa có gì khác nhau đâu. Một chút lạnh lùng, ngang tàng bướng bỉnh cũng đủ để lại ấn tượng cho nhau rồi. Kha khà ... Lần này thì nhất định ông sẽ có một cô cháu dâu đáng yêu thôi.
Không gian trong vườn tự nhiên vắng lặng, vì mỗi người đang bận đeo đuổi những ý nghĩ riêng. Lạc Đình tập trung vài cái tên Hoàng Bách Nguyên mà cô chưa từng diện kiến. Cô đang nghĩ cách để đối phó với anh ta trong thời gian sắp tới. Nếu thật sự Bách Nguyên vì cái chết của anh trai mà trở nên như thế, thì đó không phải là vấn đề khó giải quyết. Chỉ cần một vài ba đạo lý hiếu nghĩa thì chắc chắn anh ta sẽ hiểu ngay. Nhưng nếu anh ta cô một lý do nào khác, chẳng hạn như chuyện tình cảm thì e rằng sẽ trở nên phức tạp với cô.
Tự nhiên Lạc Đình thấy mình như đang tham gia một cuộc chiến mà người chiến thắng không biết sẽ là ai. Cô thắng hay Bách Nguyên thắng còn phải chờ ngày mai.
– Cháu đang nghĩ gì vậy? - Ông Bách Thắng lên tiếng.
– Dạ, không có gì, chỉ là những chuyện vu vơ thôi ạ.
– Cháu có hối hận không?
Lạc Đình hơi ngạc nhiên:
– Sao ông lại hỏi vậy?
– Vì ...
Lạc Đình nhíu mày:
– Ông còn chuyện gì chưa nói với cháu phải không?
– ...
Cô thúc giục:
– Ông nói đi! Không biết rõ nguyên nhân thì làm sao ...
– Ông rất tin tưởng cháu, Lạc Đình ạ. - Ông Bách Thắng trầm giọng - Ông không hiểu lý do vì sao nữa, nhưng thật tình ông rất tin cháu. Khi ông nói ra điều này, cháu phải hứa với ông là không được rút lại lời hứa nghe.
Ông Bách Thắng làm Lạc Đình hoang mang, nhưng cô cũng gật đầu:
– Vâng!
- Bách Nguyên thay đổi cũng là vì Lan Ngọc.
– Cô ta là ai?
– Chị dâu của Bách Nguyên.
– Là vợ anh Bách Trung?
– Đúng!
– Thế ...
Ông Bách Thắng kể lại những gì ông biết cho Lạc Đình nghe. Khi nghe xong, Lạc Đình hỏi:
- Ông muốn cháu ngoài việc giám sát, thay đổi Bách Nguyên còn làm cho Lan Ngọc từ bỏ ý định ở bên cạnh Bách Nguyên, có đúng không?
– Đúng!
Lạc Đình thừ người. Vậy là những gì cô vừa thoáng suy nghĩ quả không sai. Cô phải dây vào câu chuyện tình cảm của ba người để đánh thức Hoàng Bách Nguyên. Nhưng để biết được sự thật ai yêu ai, cô cần phải có thời gian nữa.
Lạc Đình thở hắt ra:
– Ông ơi! Cháu cảm thấy căng thẳng quá.
– Đừng như thế Lạc Đình! Nếu cháu không giúp được ông, ông không biết phải tính sao nữa. Ông cầu xin cháu đó, Lạc Đình.
– Đừng nói thế ông ơi. Cháu ...
Nhìn khuôn mặt già nua hằn lên nét lo lắng của ông Bách Thắng, Lạc Đình không đành lòng:
– Vâng! Cháu sẽ giúp ông với những gì cháu đã hứa. Còn được hay không đó là nhận thức của Hoàng Bách Nguyên.
– Cám ơn cháu.
– Cháu giúp ông vì cháu xem ông như ông của cháu vậy. Vì thế ông đừng cám ơn cháu.
Cô nhìn đồng hồ trên tay:
– Đến giờ cháu phải về rồi.
– Hãy ở lại ăn cơm với ông!
– Lần sau đi ông nhé. Cháu đã có hẹn với bạn của cháu.
– Vậy ông không giữ cháu nữa. Nhưng khi nào cháu mới đến công ty?
– Ngày mai, ông ạ.
Ông Bách Thắng tiễn Lạc Đình ra cổng:
– Nhớ thường xuyên ghé lại đây với ông nha.
– Vâng ạ! ông giữ gìn sức khỏe đấy.
– Được rồi, cháu yêu. Đi đường cẩn thận.
Lạc Đình vẫy tay, cô rảo bước trên hè phố. Cái nắng gay gắt ở Sài Gòn không làm cô căng thẳng bằng những việc cô đang suy nghĩ. Thật không thể tưởng tượng nổi, Lâm Lạc Đình lại đồng ý làm những việc giống như một diễn viên. Mà xem ra vai diễn này không nhẹ ký chút nào.